Shalom Isreal

Shalom Israel

  •   Vũ Hồ Điệp, Đài tiếng nói Việt Nam (từ Haifa, Israel)
  •  
     

    ​ 

    Chúng tôi có mặt ở Israel trong những ngày “nóng” nhất về thông tin. Trên khắp các mặt báo phương Tây, là những thông tin khác nhau về khả năng diễn ra một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Trong đó tiêu điểm vẫn là những tranh cãi xung quanh câu hỏi Iran có sở hữu vũ khí hạt nhân hay không? Cũng như những đồn thổi xung quanh việc Israel có thể tấn công Iran và ngược lại.

     
     
    Thế nhưng, đến Israel, mới thấy được mọi chuyện không phức tạp như người ta tưởng. Thủ đô Tel Aviv vẫn nhộn nhịp, ồn ào với những dòng người hối hả đến công sở, những tòa nhà hiện đại rực rỡ ánh điện trong đêm. Còn Haifa, thành phố phía Bắc của Israel, nơi tiếp giáp biên giới Lebannon và Syria, nơi đã từng là điểm nóng xung đột cách đây ít năm, mọi việc vẫn bình thường. Cuộc sống vẫn diễn ra như vốn có. Hân, một bạn đồng nghiệp có email hỏi rằng “Tình hình Israel có nóng như báo chí quốc tế đưa tin không? Liệu có thể xảy ra một cuộc chiến mới ở Trung Đông?”. Đem câu hỏi này hỏi anh Gali, giám đốc một công ty quảng cáo ở thành phố Haifa, anh cười và nói rằng “Các bạn nghĩ sao khi tới Israel? Có rất nhiều thông tin khác nhau về đất nước của chúng tôi. Nhưng tôi có thể nói rằng, chúng tôi mong muốn chung sống hòa bình với người Palestin, và với các dân tộc khác”.



    “Shalom” trong tiếng Hebrew có nghĩa là “Xin chào”. “Người dân Israel khi gặp nhau, gặp bạn bè, người quen đều chào nhau thân thiết như vậy”. Bà Bracha Steiner, phụ trách các vấn đề Văn hóa-xã hội (Trung tâm Đào tạo quốc tế Carmel, Haifa) giải thích. Trong không khí se lạnh của những ngày đầu đông, những nụ cười, những cái gật đầu chào nhau trên phố và sự nhiệt tình của người dân Israel, tất cả khiến những nhà báo nước ngoài lần đầu đến đây thấy ngạc nhiên và ấm áp. Trên phố, những  câu chào “Shalom” vang lên, những nụ cười rạng rỡ của mọi người, ánh mắt tò mò của đám trẻ…Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều có chung một suy nghĩ: Israel yên bình chứ không “nóng” như người ta tưởng.


    Một biểu tượng khiến du khách đến Israel khá ấn tượng, là hình ảnh những cây ô-liu. Từ Tel aviv về Haifa, từ Haifa đến Nazareth, đến Jerusalem, đến Biển Chết hay sa mạc Negev, nơi đâu cũng có bóng dáng cây ô-liu. Nhiều người ví von rằng, cây ô-liu với sức sống mãnh liệt trong sa mạc khô cằn, như nỗ lực của con người nơi đây để biến mảnh đất sa mạc thành miền đất sống, hiện đại và phát triển. Trên thực tế, ngoài thế mạnh về kinh tế, quốc phòng, Israel còn là nước có ngành khoa học công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới với 3 ngành xuất khẩu mũi nhọn: công nghệ, hóa học, và kim cương. Một khía cạnh quan trọng hơn, nền giáo dục của Israel được đánh giá là khá phát triển không chỉ với các trường Đại học lớn, cái nôi đẻ ra hai nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học, mà còn bởi môi trường giáo dục trong mỗi gia đình. Câu chuyện cậu bé Elyal Ariel ở thành phố Haifa là một ví dụ. 11 tuổi, nhưng cậu đã đoạt giải nhì và rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi đua thuyền buồm của thành phố. “Chúng tôi luôn tôn trọng sở thích của cháu, và khuyến khích cháu nuôi dưỡng ước mơ”, bà Slomit, mẹ Elyal kể. Người Israel luôn tự hào khẳng định những thành quả kinh tế mà họ đạt được trong suốt hơn 50 năm qua. Đó là nhờ ý chí phấn đấu, sức lao động và sáng tạo phi thường. Đến đây, tôi lại nhớ đến những chia sẻ của một nhà ngoại giao Israel ở Việt nam rằng “ở Israel, bạn có thể trở thành bất kỳ ai nếu bạn muốn, chỉ cần bạn nỗ lực”.
     
    Theo dự báo của ngân hàng quốc gia Israel, tăng trưởng GDP năm 2011 dự kiến đạt 4,9% và năm sau tiếp tục tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, Israel không phải là không có những thách thức mới. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nurit Paggi, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ “khó khăn lớn nhất chúng tôi là đảm bảo an ninh, khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh và nạn ô nhiễm”. Ở Jerusalem, nơi hội tụ của nhiều tôn giáo, vùng đất thánh linh thiêng nhưng cũng là nơi diễn ra nhiều xung đột tôn giáo, bức tường an ninh vẫn đứng sừng sững ngăn cách vùng đất của người Israel và người Palestin. Chắc chắn, đó vẫn là một câu hỏi lớn đặt ra đối với cả hai dân tộc khi lịch sử vẫn còn đó… 

    Ở thời điểm này, khi bài báo đã lên khuôn, một lần nữa thủ đô Tel aviv lại “nóng” lên. Tuy nhiên, cái nóng ấy không đến từ những thách thức an ninh, mà nó lại đến từ triển lãm ngành nước toàn cầu WATEC Exhibition 2011, với sự tham dự của khoảng 30 nghìn đại biểu đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một lần nữa, Israel lại làm thế giới ngạc nhiên bởi những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất của mình. Trong cái lạnh đầu đông, vị ấm nóng của cốc Sachlav với hương hồi lại tỏa ra trên đầu lưỡi. “Shalom, Israel!”.

     
     
  •