SGT

Cẩn thận không bao giờ thừa

  •   Cẩn thận không bao giờ thừa
  •    
    Tiếng nhạc hiện đại dặt dìu, ánh sáng êm dịu toả ra từ những trụ đèn mới trồng, vài băng ghế và chậu cây gợi nhớ đến các công viên trong thành phố, hai quầy mái che nơi người tham dự có thể chọn đồ uống và thức ăn nhẹ. Toàn bộ khung cảnh mang đến cảm giác một buổi hoà nhạc ngoài trời sắp được công diễn.
    Nhưng không phải, đó chính là quang cảnh trang trí khu vực triển lãm của Hội nghị quốc tế Israel về An ninh quốc nội 2012 (Israel Homeland Security International Conference 2012 – HLS 2012) được tổ chức tại Tel Aviv hồi trung tuần tháng rồi.
    Nhiều người Việt khi gặp cụm từ “an ninh quốc nội” thường liên tưởng đến hoạt động của các cơ quan an ninh, đặc biệt là lực lượng cảnh sát, chống lại các loại tội phạm trong xã hội nhằm bảo vệ sự bình yên của đời sống hàng ngày của người dân. Cho đến nay, khái niệm này vẫn đúng. Tuy nhiên, “an ninh quốc nội” hay “homeland security” không còn chỉ gói gọn trong khái niệm trên. Như nhiều tài liệu và các diễn giả tại hội nghị này đã đề cập, an ninh quốc nội đã vượt khỏi khuôn khổ lực lượng cảnh sát và các hoạt động của họ để vươn ra nhiều lĩnh vực khác. “Lằn ranh giữa an ninh quốc gia (national security) và an ninh cá nhân (personal security), cũng như giữa an ninh quốc gia và sự đảm bảo kinh tế - thương mại được thông suốt trước các mối đe doạ, đã hoà lẫn vào nhau”, một tài liệu viết.
    Hơn một thập kỷ đã trôi qua từ vụ khủng bố 9/11 tại New York, thế giới đã chứng kiến biết bao thay đối, trong đó an ninh quốc nội đã nổi lên như một trong những vấn đề bức thiết nhất của các quốc gia trên khắp thế giới. Về mặt kỹ thuật lẫn doanh số, an ninh quốc nội đã phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng. Theo tài liệu của Ban tổ chức HLS 2012 cung cấp cho các nhà báo dự hội nghị, trên bình diện toàn thế giới doanh số của ngành công nghiệp an ninh quốc nội đạt 178 tỉ đô la Mỹ năm 2010. Con số này được dự báo có thể lên đến 344,5 tỉ USD vào năm 2022. Trong đó, các lĩnh vực nổi bật sẽ là an ninh hàng không, thông tin liên lạc, xử lý dữ liệu, an ninh mạng (cyber security) và chống khủng bố.
    “Phần cứng” cho an ninh quốc nội
    Quang cảnh chung của khu vực triển lãm tại hội nghị mang lại cảm giác bình yên với các gian hàng trưng bày nhã nhặn, bắt mắt. Nhưng sự bình yên này cũng giống như sự bình yên trên đất nước Do Thái hay bất kỳ quốc gia nào khác đều có thể bị xao động bất cứ lúc nào vì các mối hiểm nguy đến từ bên ngoài.
    Theo các nhà tổ chức, Hội nghị-triển lãm HLS 2012 quy tụ nhiều công ty cung cấp các giải pháp và thiết bị an ninh quốc nội của Israel cũng như một vài nước khác. Như đã đề cập ở trên, các giải pháp và thiết bị trưng bày liên quan đến nhiều lĩnh vực an ninh quốc nội theo nghĩa rộng—từ việc bảo vệ các thành phố đến các vùng nông thôn, từ biên giới đất liền đến lãnh hải, từ không trung đến mặt đất, từ bảo vệ kho tàng đến bảo đảm giao thông thông suốt, cũng như công tác chống khủng bố, thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh cho các sự kiện đông người tham dự. Các công ty triển lãm còn mang đến nhiều giải pháp an ninh mạng, một lĩnh vực gần đây thu hút sự quan tâm không những của các chính phủ mà còn cả các doanh nghiệp.
    Với người Việt bình thường, một trong những điểm gây chú ý tại khu vực triển lãm có thể là chiếc xe cảnh sát được sắp xếp gần như ở vị trí trung tâm. Thoạt trông chiếc xe không khác nhiều lắm so với loại thường dùng cho công tác tuần tiểu của lực lượng công an ở TPHCM. Nhưng người tham quan phải nhìn từ phía sau mới phát hiện ra điều đặc biệt của “chiếc xe cảnh sát thông minh” (intelligent police vehicle) này. Cửa hậu chiếc xe bật lên để lộ một loạt các thiết bị trông y như cận cảnh của một bộ phim hành động Hollywood. Tài liệu cho biết đây chính là các thiết bị liên lạc, truyền hình và hệ thống chuyển tải dữ liệu làm cho chiếc xe cảnh sát thông minh có thể đóng vai trò của một trung tâm di động giúp lực lượng an ninh sẳn sàng ứng phó với mọi bất trắc.
    Tương tự như trường họp chiếc xe cảnh sát, các thiết bị “phần cứng” dễ bắt mắt người xem. Chẳng hạn, các gian triển lãm các loại súng, thiết bị dành cho các lực lượng an ninh và cảnh sát trên bộ, mô hình các khinh tốc đỉnh được cảnh sát biển sử dụng. Chưa hết, những thiết bị “thời thượng” được nhắc đến nhiều gần đây là các máy bay không người lái (UAV: unmanned aerial vehicle) cũng gây chú ý không kém. Qua báo chí, độc giả Việt Nam đã làm quen với việc quân đội các quốc gia sử dụng UAV trong việc thu thập thông tin tình báo. Nhưng đó chỉ là một mặt trong những ứng dụng UAV. Các thiết bị trưng bày và tài liệu triển lãm cho thấy các máy bay không người lái còn có thể được dùng để kiểm soát biên giới, các giàn khoan dầu ngoài khơi hay bảo vệ các sân bay, cùng nhiều ứng dụng khác.
    Có mẫu số chung nào giữa tượng Nữ thần Tự Do ở New York và tháp Eiffel ở Paris, hai trong số những địa điểm hấp dẫn khách du lịch nhất thế giới? Câu trả lời trong ấn phấm đặc biệt nhân HLS 2012 của tạp chí Quốc phòng Israel (Israel Defence) như sau: hai địa điểm đó đều được bảo vệ bằng các thiết bị an ninh do Israel cung cấp.
    Theo ấn phẩm nói trên, hàng trăm camera quan sát được lắp đặt tại hiện trường được nối với trung tâm kiểm soát. Hệ thống này có khả năng tự phát hiện những yếu tố bất thường và tiếp tục theo dõi. Các dữ liệu hình ảnh sẽ liên tục được phân tích để định ra các mối nguy hiểm thực sự. Đằng sau các hệ thống này là NICE Systems, một trong những công ty hàng đầu về giải pháp an ninh quốc nội của Israel.
    Mò kim đáy biển không còn quá khó
    Trong một phỏng vấn đăng trên tạp chí Quốc phòng Israel, Yaron Tchwella, chủ tịch phụ trách khối an ninh của NICE Systems, cho rằng khái niệm về thông tin tình báo đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. “Ngày nay, đó là sự bất đối xứng (asymetry) vì một nhóm nhỏ có thể hoạt động chống lại cả một quốc gia trên không gian mạng. Không cần phải có đến 4.000 chiếc xe tăng một bên đương đầu 3.000 chiếc của bên kia, mà chỉ cần vài người ngồi bên mấy chiếc máy tính xách tay ở một nơi rất xa lại có thể chống lại ngay cả những tổ chức khổng lồ”, ông nói.
    Ngày nay các quốc gia phải đối phó với vô số mối hiểm nguy giấu mặt. Nhiệm vụ chống lại các nguy cơ đó, theo Tchwella, giống như “bạn phải tìm một cây kim trong đống rơm”. “Nhưng đôi khi bạn còn chưa biết cây kim đó dài ngắn ra sao”. Vì thế, vấn đề là phải chắt lọc thông tin để tìm ra những tín hiệu quan trọng nhất trong biển dữ liệu tràn ngập hiện nay.
    “Chúng tôi có một hệ thống phần mềm rất phức tạp có thể chỉ ra những điều đáng chú ý trong một rừng thông tin”, Tchwella cho biết. “Nhờ vậy, chúng tôi có thể nhận diện những dấu hiệu bất thường”. Đi sâu hơn, theo ông, đó là những kỹ thuật phân tích—như phân tích từ ngữ, cảm xúc và ngữ điệu giọng nói—giúp lọc ra những dấu hiệu nhỏ nhất cần thiết để chỉ ra những điều đáng lưu ý cho bộ phận an ninh.
    Ngoài ra, những kỹ thuật này hoàn toàn có thể ứng dụng trong các doanh nghiệp giúp tiết kiệm chi phí, hoặc thậm chí cải thiện doanh thu. Ví dụ như hệ thống ghi nhận sự hiện hiện của hành khách tại một nhà ga nào đó nhằm kiểm tra an ninh cũng có thể được sử dụng để đưa ra lịch trình tối ưu cho các chuyến tàu qua nhà ga.
    Còn nhiều ví dụ khác cho việc ứng dụng thông tin rút ra từ các dữ liệu thu thập nhằm mục đích bảo vệ an ninh cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp đang đau đầu vì lượng hàng tồn kho bị mất cắp gia tăng. Giả sử dữ liệu an ninh cho thấy có đến 20% số công nhân là người mới tuyển thì có thể xét đến khả năng có mối quan hệ giữa họ với số lượng mất cắp tăng lên.
    Từ HLS 2012 nhìn về an ninh quốc nội tại Việt Nam
    Ami Daniel chỉ trạc ba mươi, là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Windward Martime Solutions, một công ty an ninh quốc nội tham gia triển lãm. Doanh nhân người Do Thái này đã phái người đón phóng viên TBKTSG Online tại Trung tâm báo chí của Hội nghị HLS 2012 đến gian hàng của Windward.
    Trên màn hình do Ami điều khiển hiện lên bờ biển hình chữ S quen thuộc: Việt Nam. Bằng một giọng sôi nổi, Ami giải thích: “Dịch vụ do Windward cung cấp có thể theo dõi đường đi của các con tàu trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trên các đại dương khắp thế giới qua hệ thống vệ tinh. Nhờ vậy, chúng tôi đã ghi nhận sự cố cắt cáp tàu Bình Minh 2 hồi tháng sáu năm nay”.
    Khi phóng viên TBKTSG Online bảo Ami rằng người Việt không dùng cụm từ “South China Sea” (biển Nam Trung Hoa), nhà doanh nghiệp vốn là một sĩ quan hải quân phục viên này ngay lập tức chuyển sang dùng từ “East Sea” (biển Đông) mà anh đọc trại thành “easy” (một cách chơi chữ với từ gần đồng âm) cho dễ nhớ.
    Trở lại với các báo cáo tại Hội nghị HLS 2012, nhiều diễn giả là các nhân vật hàng đầu đứng đằng sau các sự kiện được cả thế giới chú ý—như TS. Luiz Fernando Correa, người chịu trách nhiệm an ninh cho Thế vận hội 2015 tại Braxin; TS. Hilario Mederios, giám đốc an ninh của Giải bóng đá thế giới (FIFA World Cup) 2014; và Alex Gilady, thành viên Ban tổ chức Thế vận hội Athens 2004, Beijing 2008 và London 2012. Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ an ninh tại các sự kiện được theo dõi nhiều nhất hành tinh này.
    Khi TBKTSG Online hỏi NICE System có thể chia sẻ gì với Việt Nam, quốc gia vừa mới đăng cai Á vận hội (ASIAD) 2019, Tchwella cho rằng công ty ông có nhiều kinh nghiệm giúp các chính phủ tổ chức thành công các sự kiện lớn có nhiều người tham gia như vậy. Trả lời câu hỏi việc kinh phí sử dụng dịch vụ của NICE có thể là rào cản lớn cho những quốc gia đang phát triển, Tchwella cho rằng NICE thường hợp tác với các công ty bản địa, cũng như có các giải pháp về tài chính giúp các chính phủ tìm được lựa chọn phù hợp.
    Theo Tchwella, toàn cầu hoá đã làm cho biên giới quốc gia không còn tồn tại như trước đây một khi bước vào thế giới mạng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các công ty, các chính phủ phải đối mặt với các cuộc tấn công, thậm chí khủng bố, trên mạng có khả năng gây ra những hậu quả khôn lường. Theo GS. Jurgen Stock, phó chỉ huy lực lượng cảnh sát chống tội phạm của Đức, cứ mỗi hai giây nước ông lại phải hứng chịu một cuộc tấn công trên mạng. “Đây là những cuộc tấn công không rõ lý do,” Stock nói với cử toạ hội nghị. Ông nhấn mạnh các chính phủ cũng như các tố chức khác cần hợp tác trong nỗ lực đối phó với tội phạm liên quan đến không gian ảo trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Tại Việt Nam, nơi các cuộc tấn công mạng vẫn diễn ra, đây là một khuyến cáo cần được lưu ý.
    Để kết bài, người viết xin kể lại câu chuyện nhỏ trên đường ra phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv để trở về Việt Nam. Khi chiếc taxi chở phóng viên sắp vào phi trường, một nhân viên an ninh vũ trang ra hiệu cho xe dừng lại và hỏi vài câu có vẻ bâng quơ, đại loại như: “Anh từ đâu đến?” Nhưng người nhân viên an ninh không chú ý đến câu trả lời và cũng không hề kiểm tra giấy tờ. Thực ra, khi chiếc xe dừng lại, một thiết bị tự động đã quét số xe nhằm nhận diện chiếc xe và tài xế. Chiếc taxi chỉ được phép vào phi trường nếu thiết bị này “bật đèn xanh”.
    Và đó chỉ là chặn đầu tiên trong số nhiều hàng rào bảo vệ mà hành khách phải vượt qua trước khi có thể yên vị trên ghế máy bay. Một số hành khách có thể cảm thấy phiền toái vì các thủ tục an ninh khắc khe này. Nhưng trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc nội tại Israel, cũng như ở các quốc gia khác, cẩn thận không bao giờ thừa.
                                                                                                                                                                                    (Quỳnh Thư)                                                                                                                                     
  •  
     
  •