Ngan nam bia da

Ngàn năm bia đá

  •   Nhà văn - Dịch giả Đào Minh Hiệp
  •  
     

    ​Có lẽ không một nơi nào trên thế giới mà các tôn giáo, các nền văn minh và các đế chế hùng mạnh đã để lại nhiều dấu tích, chồng chồng lớp lớp lên nhau như ở Israel. Một số dấu tích bằng đá của họ vẫn còn lại cho đến ngày nay, song phần lớn đã bị các cuộc chiến tranh tàn phá thành bình địa, chỉ còn rơi rớt lại trong trí nhớ của người đời lưu truyền từ hế hệ này qua hế hệ khác.


    Cũng may là có một người đã giúp cho hậu thế có thể tận mắt ngắm nhìn lại quá khứ. Đó chính là họa sĩ tài năng người Scotland David Robert (1796-1864). Là một họa sĩ có máu phiêu lưu, Robert đã để lại hàng trăm tác phẩm hội họa về phong cảnh nơi ông đặt chân tới như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Maroc, Ai Cập… Nhưng đặc biệt nhất chính là bộ tranh 272 bức mà ông đã sáng tác khi sống tại miền đất thánh vào các năm 1838-1839. Giờ đây, tác phẩm của ông không chỉ là những kiệt tác hội họa vô giá trong bảo tàng mà còn là những tư liệu quý để nghiên cứu về vùng đất này. Trước khi sang Israel, tôi đã lên mạng tìm kiếm các bức tranh của Robert và hy vọng sang đến nơi mình sẽ có dịp đối chiếu giữa nghệ thuật và hiện thực. Song, tôi chỉ còn được nhìn thấy, hoặc là những phế tích hoặc là những công trình được xây dựng sau này ngay trên nền móng của những công trình cũ đã bị san bằng vì nhiều lý do khác nhau.

    Chúng tôi được bố trí tham quan thành cổ Jerusalem cùng với các hội viên của Hội Nhà văn Do Thái do ông Chủ tịch Hội Hakak dẫn đầu. Theo các nhà khảo cổ học thì những khu dân cư đầu tiên xuất hiện ở Jerusalem từ 5 ngàn năm trước. Đi giữa những con phố cổ lát đá ngoằn ngoèo, lên lên xuống xuống, san sát những cửa hàng bán đồ lưu niệm của người Ả Rập và người Armenia, trong tôi trào lên bao cảm xúc khó tả khi chạm tay vào bức thành đá đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước và ngẫm nghĩ về nỗi thăng trầm của lịch sử. Giữa tiết trời se lạnh, ngắm nhìn thành cổ vào đêm với những bức tường đá cổ kính, uy nghi rực lên trên nền trời xanh biếc Địa Trung Hải mới thấy được sức sống trường tồn của một dân tộc đã từng bị xua đuổi khỏi quê hương xứ sở hơn 2.500 năm mà vẫn khát khao ước vọng phục quốc cho đến tận ngày nay. Trải qua bao biến đổi, giờ đây thành cổ Jerusalem được chia thành bốn khu vực của người Hồi giáo, người Do thái giáo, người Thiên chúa giáo và người Armenia.


    Ở Jerusalem, theo quy định của chính quyền, các công trình xây dựng, kể cả của nhà nước và tư nhân, đều bắt buộc phải xây bằng đá, hoặc ít ra là mặt tiền phải ốp đá. Đá xây dựng được khai thác ngay khu vực Jerusalem có độ hạt rất mịn và màu trắng ngà, vàng nhạt trông rất đẹp và sạch, lại có khả năng thay đổi màu sắc (tương đối) tùy theo ánh nắng mặt trời, tạo cho Jerusalem một sự nhất quán cùng với nét cổ kính, sang trọng và một không gian đặc biệt linh thiêng, huyền bí.
    Ở Jerusalem có một di tích quan trọng của người Do Thái và của người Hồi giáo không thể không ghé thăm, đó là Bức tường phía Tây, hay còn gọi là Bức tường than khóc (Wailing Wall) và giáo đường Golden Dome. Xưa kia, tại vị trí này đã từng có hai ngôi đền của người Do Thái. Ngôi đền thứ nhất được xây dựng rồi bị phá hủy vào thời Babylon-năm 586 trước Công nguyên (CN). Ngôi đền thứ hai được xây lại tại vị trí cũ để rồi lại bị đế quốc La Mã san bằng năm 70 sau CN. 600 năm sau, người Hồi giáo lại cho xây giáo đường Golden Dome có mái vòm dát vàng ngay trên nền móng của ngôi đền Do Thái đó, rồi chính giáo đường này cũng bị biến thành nhà thờ và nơi trú quân của các đạo quân Thập tự chinh La Mã vào thế kỷ XI-XII.

    Tại sao những người Do Thái và người Hồi giáo lại cố xây đi xây lại những công trình tôn giáo quan trọng của mình trên cái vuông đất nhỏ bé ấy để rồi lại bị san bằng? Đơn giản vì người Do Thái cho rằng, tại đây có một tảng đá mà tổ phụ của họ là Abraham đã đặt con trai Isaac lên đó để hiến tế cho Thượng đế, còn người Hồi giáo thì cho rằng nhà tiên tri Mohammed của họ đã cưỡi ngựa bay lên trời từ chính tảng đá này. Ngày nay, những gì còn lại của ngôi đền Do Thái-được coi là thiêng liêng nhất của đạo Do Thái chỉ là một bức tường đá nằm ngay bên giáo đường Golden Dome của người Hồi giáo.


    Chúng tôi đến tham quan Bức tường Than khóc vào đúng ngày thứ bảy, ngày cầu nguyện chính trong tuần, nên người đến viếng đông nghịt, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính, dân tộc và tôn giáo. Người Do Thái đến đây để than khóc cho sự mất nước và lưu đày, cho ngôi đền thiêng bị phá hủy, đồng thời cũng để cầu xin những điều tốt lành trong cuộc sống. Nhiều người còn cầu nguyện bằng cách viết những điều mong ước vào tờ giấy rồi nhét vào kẽ tường. Phải cố len lỏi chúng tôi mới tới gần được bức tường, nhưng khi định chạm tay vào thì ngay lập tức bị các giáo sĩ mặc áo choàng đen lịch sự mời ra. Chúng tôi rất ngạc nhiên, nhưng sau một hồi giải thích bằng… tay vì bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi hiểu ra, đàn ông muốn chạm tay vào bức tường phải đội mũ. Nhìn quanh, thấy ai cũng có mũ chỏm trên đầu, đành phải quay ra cổng, nhận chiếc mũ nhỏ bằng bàn tay ụp lên đầu rồi lại chen ngược trở vào. Thật tình, khi chạm tay vào bức tường gần 2.000 năm tuổi, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về sự đời rồi tự hỏi, còn mong muốn gì nữa khi đã ở vào cái tuổi xế bóng? Những gì làm được thì đã làm, những gì chưa làm được thì đã muộn, mà nếu cầu gì được nấy thì cuộc sống còn gì thú vị nữa! Nghĩ mãi, tôi chỉ cầu mong cho hai dân tộc Do Thái và Palestine sớm được hưởng thanh bình sau mấy ngàn năm tha hương. Ra cổng, chúng tôi quyết định không trả lại chiếc mũ cho Ban tổ chức mà giữ làm kỷ niệm. Chỉ tiếc là vào ngày lễ chính, Ban tổ chức không cho chụp ảnh ngay sát bức tường, nếu không đã có thể ghi lại hình ảnh chúng tôi là những tín đồ thành kính.

    Đứng trên đồi Olive bên cạnh Trường Đại học Tổng hợp Jerusalem có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu thành cổ. Nơi đây còn rất nhiều di tích lịch sử của các tôn giáo khác như nhà thờ Giáng sinh Bethlehem-nơi Chúa Jesus ra đời, nhà thờ Mộ Chúa-nơi Chúa bị đóng đinh câu rút trên đồi Golgotha, nhà thờ La Mã-nơi kẻ phản Chúa Juda ngồi than khóc trước khi bị quân La Mã đưa đi hành quyết, Con đường khổ nạn Via Dolorosa mà Chúa vác thánh giá đi qua để đến chỗ bị đóng đinh câu rút, rồi còn nhà thờ Chính thống Nga, nhà thờ Cơ đốc giáo Armenia,…Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy một con lạc đà bằng xương bằng thịt và khách du lịch có thể chụp ảnh thoải mái với nó mà không mất tiền, còn nếu muốn cưỡi lên lưng nó như những kẻ hành hương qua sa mạc thì phải nộp vài USD. Ngay dưới chân đồi Olive là khu nghĩa địa của người Do Thái với những nấm mộ bằng đá rất đơn sơ, nhỏ bé, chỉ có phiến đá khắc chữ đặt nằm trên mộ tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Người Do Thái không bao giờ đặt hoa lên mộ.

    So với thành cổ Jerusalem 5.000 năm tuổi thì TP Tel Aviv trẻ hơn rất nhiều. Tel Aviv mới được thành lập vào năm 1909 bởi những người nhập cư Do Thái nhằm mục đích giãn dân ra khỏi thành phố cảng Haifa sát bên cạnh. Ngày nay, TP Tel Aviv được nhiều người nhắc đến vì có cuộc sống sôi động nhất ở Israel, có các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và được coi là Thung lũng Silicon thứ hai. Nhưng Tel Aviv cũng là thành phố có cuộc sống đắt đỏ nhất ở Trung Đông.


    Đến thăm khu phố cổ Jaffa mà theo truyền thuyết là do con trai của ông Nôe phát hiện ra, chúng tôi được ngắm nhìn phế tích còn sót lại của cây cầu cảng bằng đá cổ xưa nhất Israel, được xây dựng rồi bị phá hủy ít nhất 15 lần trong lịch sử 4.000 năm tuổi của mình. Ở đây còn có nhà thờ Thánh Phero với cây cầu Nguyện ước, khắc 12 con giáp trùng với 12 tháng, ai sinh vào tháng nào sờ tay vào con giáp của tháng đó và cầu nguyện, sẽ được toại nguyện. Không biết những người khác nghĩ sao khi đặt tay vào những con giáp, còn tôi, tôi chỉ băn khoăn một điều, liệu trong số hàng triệu điều ước có bao nhiêu phần trở thành hiện thực, nhất là điều ước về hòa bình.

    Khoảng 2.000 năm trước, để tôn vinh người bảo trợ mình là hoàng đế La Mã Caesar, vua Herod của Do Thái đã cho xây dựng thành phố cảng Caesarea rất hoành tráng. Các công trình kiến trúc đều được xây bằng đá cẩm thạch trắng và đá granit mang từ Italia sang. Ở đây có một đấu trường sức chứa 25.000 người, có cung điện, thành quách và các khu dịch vụ, thương mại, ăn uống, nhà tắm hơi, bể bơi ngay sát mép biển. Vào thế kỷ thứ VII, những người Hồi giáo đã tấn công và phá hủy Caesarea, 5 thế kỷ sau, quân Thập tự chinh La Mã đã cho khôi phục lại thành phố như một pháo đài kiên cố. Tuy nhiên, cho đến ngày nay dấu tích còn lại gần như nguyên vẹn là cây cầu máng bằng đá cao 30m, dài 25km dẫn nước từ trên núi về và một nhà hát ngoài trời 3.500 chỗ. Khi chúng tôi đến tham quan thì nhà hát đang được phục chế. Để kiểm tra chất lượng âm thanh, nhà thơ Đỗ Trung Lai bước ra giữa sân khấu và khi anh bắt đầu cất lên những giai điệu đầu tiên trong ca khúc Sông Lô của Văn Cao thì tất cả mọi du khách đang tham quan trên khán đài đều kinh ngạc quay nhìn về phía ca sĩ và vỗ tay tán thưởng. Đúng là kiến trúc âm thanh rất chuẩn dù không có âm ly loa đài gì cả.
     
     
  •