Trước tiên, tôi bày tỏ lòng biết ơn tới Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Lãnh đạo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, CINADCO, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tài chính để chúng tôi có được nhiều kết quả tốt đẹp sau chuyến thăm quan tập huấn công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Israel từ ngày 28/8 đến 12/9/2012.
Trước khi đến Israel, tôi đã tìm hiểu về đất nước này thông qua TV, internet và sách báo nhưng còn hạn chế. Sau 2 tuần thăm quan tập huấn tôi đã có hiểu biết thêm nhiều về các công nghệ nuôi cá, tái sử dụng nước bằng hệ thống lọc tuần hoàn, công nghệ tưới nước nhỏ giọt tại Israel. Tôi đã biết thêm về lịch sử, văn hóa đất nước Israel. Tôi khâm phục ý chí vươn lên vượt khó của con người Israel, sự tôn nghiêm pháp luật, chính sách xây dựng đất nước, phát triển giáo dục và khoa học công nghệ.
Tôi mang theo rất nhiều dự định học tập, một trong những mối quan tâm của tôi là học công nghệ nuôi và biện pháp phòng, trị bệnh cá. Thông qua thăm quan các trang trại sản xuất cá cảnh, công nghệ nuôi cá siêu thâm canh trong bể, trong ao, trong hồ... Tôi đã hiểu rằng vì họ đã quản lý rất tốt chất lượng nước. Bằng hệ thống lọc tuần hoàn tái sử dụng nước, quản lý chất lượng con giống chặt chẽ, quản lý và sử dụng thức ăn tốt nên cá ở các trang trại không có bệnh và sản phẩm cá sạch chất lượng cao.
Càng được đi thăm quan học tập về nuôi trồng thủy sản ở nhiều vùng miền của Israel, tôi càng bị lôi cuốn bởi thiết kế trang trại, các công trình nuôi thủy sản, thiết bị hỗ trợ phục vụ hoạt động nuôi công nghệ cao, quản lý trang trại phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh. Họ đã xây dựng tốt dự án nuôi thủy sản, mang lại nhiều thành công, sự thuận tiện trong hoạt động sản xuất và lợi ích kinh tế cho mỗi trang trại.
Chúng tôi đã đến thăm 12 Kibbutz là các trang trại có hoạt động sản xuất thủy sản và nhận thấy họ đã đầu tư lớn, không có quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Các trang trại đều sản xuất lớn lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên nhân lực trong các trang trại và ngay cả trong cơ quan nghiên cứu thủy sản lại rất ít. Họ sử dụng máy móc thay cho lao động chân tay giản đơn. Mọi người làm việc chăm chỉ, hiệu quả, kết hợp hiểu biết lý thuyết vào thực tiễn sản xuất nên rất hiệu quả. Họ sẵn sàng dành thời gian và nhiệt tình chia sẻ thảo luận về chuyên môn với chúng tôi.
Thời gian trôi qua khá nhanh. Những gì học được, thu hoạch được sau chuyến công tác Israel là rất nhiều và bổ ích. Riêng đối với chúng tôi là người làm công tác nghiên cứu khoa học, đây là cơ hội quý, phải tận dụng từng phút từng giây tranh thủ hỏi những gì còn chưa rõ, chụp ảnh, quay video và ghi chép lại những thông tin quan trọng. Chúng tôi dự định sau chuyến thăm quan tập huấn, sẽ trình bày seminar, xây dựng tài liệu chuyên khảo, băng đĩa về công nghệ nuôi thủy sản đã học được ở Israel để chia sẻ nhiều hơn với các đồng nghiệp, với các em sinh viên và với người nuôi cá ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn Việt Nam và Israel có thêm nhiều dự án hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta. Thiết nghĩ, nước ta giàu tài nguyên và con người cần cù siêng năng, nếu ta biết tiết kiệm nguyên liệu sản xuất và sức lao động, áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại thì có thể tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ không những sản xuất ra nhiều hơn sản lượng cá cho tiêu dùng và sản phẩm thủy sản xuất khẩu ra thế giới mà còn duy trì của cải vật chất cho con cháu mai sau.
14/9/2012
Nguyễn Thị Diệu Phương