Kibbutz mo hinh kinh te made in Israel

Mô hình kinh tế Kibbutz

  •   Nguyễn Đại Phượng, Báo Tiền Phong
  •  
     
    ​Đã có lần được nghe nói về Kibbutz - một mô hình kinh tế nông thôn độc đáo và kỳ lạ của Israel, trong chuyến đi này tôi dành nhiều thời gian về tận các vùng nông thôn Israel để  tìm hiểu về mô hình nói trên. Và thật ngạc nhiên, câu chuyện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đang được các  Kibbutz ở quốc gia Trung Đông nhiều chuyện lạ này cố gắng thực hiện...
     
  •  
  • Ăn ở như tại… khách sạn

  •  
    ​“Kibbutz” theo tiếng Do Thái có nghĩa là “tổ hợp” – một hình thức tổ chức kinh tế nông – công nghiệp nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới đang tồn tại ở Israel. Nhờ sự giúp đỡ của các bạn Israel, tôi đến thăm Kibbutz Mashabbe Sade ở vùng Nagev miền Nam và Kibbutz Dalia ở miền Bắc nước này. Giáo sư Yeahoshua từng là xã viên của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 270 Kibbutz. Trung bình mỗi Kibbutz này có trên dưới 300 xã viên, hoạt động tương tự như nhau, sở hữu những cánh đồng trồng cây nông nghiệp, trại chăn nuôi gia súc, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như sản xuất bột giặt, đồng hồ đo nước xuất khẩu, van và khớp nối ống nước,v.v.

    Về kinh tế, Kibbutz tổ chức hoàn toàn theo kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế Kibbuz được hình thành từ năm 1960 cho đến nay, phát triển tốt và đang thực hiện ở một mức độ nhất định phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đối với các xã viên của mình. Bà Yael Ziv, 45 tuổi phụ trách công tác tình nguyện của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, mọi thành viên thuộc gia đình các xã viên Kibbutz được ăn miễn phí hàng ngày hai bữa sáng và trưa tại một bếp ăn tập thể ở giữa làng tổ chức theo hình thức phục vụ món ăn tự chọn. Riêng bữa tối, các gia đình tổ chức ăn ở nhà để cho gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình. Tôi đã chứng kiến tại Kibbutz Mashabbe Sade, buổi sáng các xã viên và trẻ em trong làng lũ lượt kéo đến nhà ăn tập thể dùng bữa sáng. Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn cao cấp không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn 5 sao. Sau khi ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa, khay, thìa, dĩa đến những chỗ qui định để cho “tổ bếp núc” rửa.
     
    Sau đó trẻ em thì đến trường, người lớn đến nơi làm việc. Khoảng 12 giờ 30 trưa, trẻ em đi thẳng từ trường học tới nhà ăn, cùng người lớn dùng bữa trưa. Các gia đình không nhất thiết ngồi ăn cùng bàn mà do phục vụ món ăn tự chọn, các thành viên tuỳ thích chọn chỗ ngồi và lấy món ăn không hạn chế số lượng, hoàn toàn theo nhu cầu.



    Trong tất cả các Kibbutz, việc giặt quần áo cho gia đình các xã viên được tổ chức thành một tổ chuyên phục vụ giặt giũ. Tất nhiên, công việc này được làm bằng máy từ khâu giặt đến sấy khô. Chỉ mỗi khâu phân loại là phải do công nhân thực hiện bằng tay. Tại Kibbutz Mashabbe Sade, mỗi gia đình đăng ký một số thứ tự. Số này sẽ in lên phía trong quần áo của các thành viên gia đình mình. Các gia đình chỉ việc bỏ quần áo bẩn vào một thùng đựng quần áo có đánh số của gia đình. Tổ giặt giũ của Kibbutz sẽ có trách nhiệm thu gom chúng vào các ngày Chủ nhật, Thứ hai và Thứ ba. Sau khi phân loại các loại quần áo được giặt riêng theo màu sắc, chất liệu nhằm tránh hư hỏng rồi đưa sang máy sấy khô. Tiếp theo, quần áo của gia đình nào được trả về số thùng quần áo sạch dành cho gia đình đó vào các ngày còn lại trong tuần. Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ôtô riêng. Mỗi Kibbutz đã mua khoảng 60 ôtô con các loại để tại một bãi xe có người trông coi. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website của Kibbutz rồi tìm chọn những xe nào còn rỗi thì cứ việc tới bãi xe lấy chìa khoá ôtô mình cần để dùng thoải mái theo nhu cầu. Xăng, sửa chữa và các chi phí khác cho xe do Kibbutz chịu trách nhiệm. Trường hợp cần xe lớn hơn những chiếc xe có sẵn, xã viên có thể yêu cầu ban quản lý xe đi thuê theo yêu cầu của mình, Kibbutz sẽ thanh toán cho tiền thuê đó. Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình xã viên. Mỗi căn nhà này ở Mashabbe Sade là một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi.
  • Bộ trưởng, giáo sư cũng là xã viên

  •  
    ​Con em xã viên được Kibbutz cấp học bổng toàn phần cho thời gian học 12 năm phổ thông và đại học trong nước. Khi các xã viên và con cái họ ốm đau, Kibbutz chịu trách nhiệm thanh toán hoàn toàn mọi chi phí về y tế căn cứ vào thực tế chữa bệnh theo nhu cầu.
     
    Xã viên Kibbutz được nghỉ hưu theo qui định chung của Nhà nước ở tuổi 69 đối với nam giới, 67 đối với nữ giới. Nhưng ở Kibbutz nếu muốn, xã viên có thể tiếp tục làm việc trong thời gian tuỳ thích. Khi tuổi già, sức yếu hoặc bệnh tật, xã viên được đến trại dưỡng lão miễn phí hoặc được Kibbutz thuê người lao động nước ngoài đến chăm sóc tại gia đình.
     
     
    Tại Kibbutz Mashabbe Sade, ngoài các hưởng thụ theo nhu cầu do Kibbutz chi phí, mỗi xã viên được nhận phụ cấp 1.300 shekol (350 USD)/tháng để chi phí cá nhân. Mức phụ cấp này bằng nhau đối với tất cả mọi người, không phân biệt vị trí công tác của xã viên dù là giám đốc, chủ nhiệm hay người quét rác, trông trẻ. Do nhu cầu của cá nhân và xã hội, xã viên có thể làm những công việc không thuộc địa bàn Kibbutz mình như giáo sư đại học, bộ trưởng, chuyên gia vệ tinh,… Nhưng toàn bộ tiền lương của người đó phải nộp về cho ngân quĩ của Kibbutz.
     
    Tại Mashabbe Sade, từng có những xã viên làm bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội, giáo sư đại học nhưng lương nhà nước trả cho họ phải nộp cho Kibbutz. Bà Kantor Dafna, bạn tôi hiện là Tổng vụ trưởng Viện nghiên cứu nguồn nhân lực làm việc ở Tel Aviv nhưng phải nộp toàn bộ thu nhập từ lương về cho Kibbutz Dalia của bà. Các Kibbutz đều cung cấp toàn bộ những nhu cầu cá nhân như quần áo, xe hơi,v.v. để phù hợp với vị trí công tác cho các vị nói trên.
     
     
    Với những người lười biếng nhất thời, ban lãnh đạo Kibbutz cho rằng đó là nhu cầu cần nghỉ ngơi của con người nên cứ để họ nghỉ. Nếu lười nhác kéo dài, ban lãnh đạo Kibbutz sẽ đến thuyết phục để họ nhận ra sự ăn bám người khác là điều xấu. Dư luận cộng đồng khinh bỉ có sức răn đe mạnh hơn cả pháp luật khiến người lười nhác phải thay đổi. Bà Kantor Dafana xã viên Kibbutz Dalia cho biết, nếu người lười vẫn không chuyển, Kibbutz có cơ chế đuổi ra khỏi cộng đồng. Nhưng đến nay hình phạt này chưa bao giờ phải sử dụng. Động cơ để người lao động cống hiến hết mình là danh dự, sự tuyên dương, động viên kịp thời của ban lãnh đạo Kibbutz và sự tôn vinh của cộng đồng. Tên và thành tích của người có công được công bố kịp thời và công khai trên bản tin địa phương.
     
    Để tránh tham nhũng, mọi khoản thu nhập và chi phí của Kibbutz được công khai dán trên bảng thông tin của cộng đồng. Ban lãnh đạo được đại hội xã viên bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát của một cơ chế công khai hoàn toàn mọi quyết định và chính sách của Kibbutz.
     
    Báo Tiền Phong Online, ngày 6/16/2005