Hoc khoi nghiep

Học khởi nghiệp từ Quốc gia khởi nghiệp

  •   Học khởi nghiệp từ Quốc gia khởi nghiệp
  •  
     

    Vậy là đoàn Việt Nam vói 21 anh chị em (trong các lĩnh vực khác nhau) đã hoàn thành khóa học về Entrepreneurship (Tinh thần Doanh nhân) và Innovation (Đổi mới Sáng tạo) trong 10 ngày từ 20 đến 29 tháng Mười Hai năm 2015. Có rất nhiều cảm xúc, có không ít bài học và, hẳn rồi, có một “cơ số” các ý tưởng áp dụng (đối với chủ doanh nghiệp start-up tại Việt Nam) hay theo đó là những kế hoạch chia sẻ (đối với những anh chị giảng viên, tư vấn…)

    Những cảm xúc và bài học thú vị về khóa học năm ở sự hòa quyện giữa nội dung giảng dạy và cái “không khí Israel”. Có được điều này bởi Trung tâm Meir Golda đã rất chu đáo, sắp xếp cho các anh chị em Việt Nam cứ một ngày học là có một ngày dã ngoại, trải nghiệm, học hỏi (study tour). Chúng tôi không chỉ học qua những slides mà còn trực tiếp nhìn, sờ và cảm nhận sức sáng tạo của người Israel qua những sản phẩm nhỏ bé nhưng rất thông minh. Tựu trung lại, có một số điểm “hấp dẫn” và “hiệu quả” như thế này.

    Thứ nhất, nội dung khóa học là về hai vấn đề Entrepreneurship (Tinh thần Doanh nhân) và Innovation (Đổi mới Sáng tạo), rồi thì tất cả các anh chị em Việt Nam đã thấy rât thú vị khi biết rằng Khởi nghiệp (Start-up) chính là sự giao thoa giữa hai khái niệm này. Chúng tôi đã thấy rằng Innovation không cứ phải là những ý tưởng to tát, rung chuyển, mà đó chỉ bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ nhưng hiệu quả (rồi thì ý tưởng lớn sẽ tự đến - dẫn lời thầy Haime Amsel). Còn nữa, Innovation không phải chỉ là về ý tưởng sáng tạo, mà đó còn phải là ý tưởng sáng tạo mà giải quyết nhu cầu của đối tượng khách hàng và tạo giá trị cho công chúng. Nói đến đây, các anh chị em Việt Nam chợt thấy rằng vì sao nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho start-up chưa thành công lại là “chưa có nhu cầu thị trường” cho ý tưởng thông minh đó. Còn về Entrepreneurship, thật ngạc nhiên khi một người bán giấy vụn thông thường được đặt cạnh Steve Jobs khi thầy Haime Amsel mô tả về khái niệm này. À, thì từ một người “thay đổi thế giới” đến một người “buôn thúng bán mẹt” đều cần phải có một tinh thần doanh nhân. Khái niệm “perseverance”(bền chí) được nêu ra như một tố chất bắt buộc phải có, theo tinh thần “vượt qua tất cả, dám dấn thân và chấp nhận thử thách” để rồi nếu có thất bại thì cũng ngẩng cao đầu theo tinh thần “trăm năm đá nát vàng phai, ngã rồi lại dậy kém ai ở đời” của Việt Nam ta.

    Thứ hai, đoàn Việt Nam ấn tượng với cách truyền thụ đơn giản, trực diện nhằm đạt hiệu quả tương tác tối ưu. Thay vì đi theo một lối mòn là vẽ ra một Business Plan (Kế hoạch Kinh doanh) dài dòng, tốn thời gian và nguồn lực (để rồi thậm chí có thể không dùng đến) thì người Israel tập trung vào 1 trang A4 cái gọi là Business Model Canvas (Mô hình Kinh doanh giản lược) do thầy David Slyper giới thiệu. Công cụ này không chỉ hiệu quả để “duyệt” và “tóm tắt” ý tưởng kinh doanh xem thực sự nó có tốt không, có khả thi không, có tạo giá trị không. Business Plan là bước tiếp theo khi những ý tưởng kinh doanh đó đã “được duyệt” qua vòng Business Model Canvas.

    Thứ ba, tất cả mọi người trong đoàn đều thấy rất ấn tượng với sự đón tiếp nồng ấm, sự hiếu khách, tươi vui đón tiếp của các Incubator, Accelerator Centers (tạm gọi là các trung tâm sáng tạo, trung tâm hỗ trợ ý tưởng và khởi nghiệp). Những “ồ, à, sao họ thông minh thế” liên tục được thốt lên khi các anh chị em tham quan trung tâm tiềm năng ý tưởng Moona. Mọi người ngạc nhiên khi nhìn những mô hình từ rô-bốt, máy bay không người lái (drone) hay các máy tính siêu nhỏ (ardruino) đến các thiết bị hỗ trợ đơn giản và thông minh khác. Đáng lưu ý là những trung tâm sáng tạo như vậy được tạo ra từ sự kết hợp hiệu quả giữa chính phủ, các trường đại học, khối doanh nghiệp tư…để đảm bảo sự hòa hợp giữa lý thuyết và thực tiến, từ sản xuất đến thị trường và qua đó ươm mầm sáng tạo cho một thế hệ các thanh thiếu niên Israel về sau.

    Cuối cùng là việc nhìn lại, khâm phục đất nước Israel. Nếu chỉ có một từ để mô tả Israel thì chúng tôi chọn từ “nội lực”. Từ một dân tộc bị hắt hủi, không có đất đai và phải di cư khắp thế giới, người Israel đã chung lưng đấu cật phục quốc cùng nhau từ năm 1948 với số lượng người ban đầu vỏn vẹn có 500,000 người và GDP đầu người chỉ hơn 1,200 USD cho đến hiện tại là 8 triệu người với GDP đầu người hơn 30,000 USD. Một dân tộc nhỏ bé bao quanh bởi hàng trăm triệu các người dị chủng tôn giáo trong một khu vực phức tạp nhất của thế giới (ví dụ, đất thánh Jerusalem rất phức tạp vì được cả ba tôn giáo – Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo - coi là nơi phát tích nguồn gốc của mình), người Israel dựa vào không gì hơn là nội lực, là sự vươn lên, tinh thần sáng tạo và ý chí dấn thân để phục quốc để rồi tạo ra một điều kỳ diệu Israel.

    Việt Nam và Israel cũng có không ít điểm tương đồng. Cả hai đều nó nền văn hóa nghìn năm và vất vả với việc xây dựng, gìn giữ và bảo vệ chủ quyền của dân tộc mình. Người Việt Nam và người Israel cơ bản đều là những người chăm chí, dấn thân và có chút “bướng bỉnh”, khát khao phát triển. Trân trọng những sáng tạo từ Israel, anh chị em tham gia khóa học sẽ góp phần áp dụng và lan tỏa những kiến thức về Entrepreneurship (Tinh thần Doanh nhân) và Innovation (Đổi mới Sáng tạo) cho cộng đồng các người Việt trẻ vì một Việt Nam tiến nhanh hơn.

    Đoàn Đức Thuận
     
InBản in
  
E-mail to a friend