Cau hoi tu Israel

Câu hỏi từ Israel

  •   Trần Hữu Huỳnh
  •  
     

    ​(DĐDN) Tôi chuẩn bị đi Isarel khi trên các phương tiện truyền thông, tin tức về một cuộc tiến công của Isarel nhằm hủy diệt cơ sở hạt nhân của Iran được đăng dồn dập. Tuy nhiên, là người đã từng trải qua thời kỳ “đội bom đến lớp” và cũng vì có chút lãng mạn muộn mằn mong làm một “phóng viên chiến tranh” nghiệp dư, nên dù có chút băn khoăn chưa kịp mua phí bảo hiểm chiến tranh, chuyến đi Isarel vẫn gây phấn khích mạnh bởi hành trang tôi mang theo chính là những câu hỏi...

    Thực tế là khi ở Tel Aviv, không khí điềm tĩnh  bao phủ khắp nơi. Khách sạn tôi ở bao trùm trong cây xanh, vườn cỏ mướt mắt, bể bơi trong vắt và tiếng chim hót trong trẻo, thanh bình.

    Xem đầy đủ bài viết tại Đây

     
  •  
  • Ngoảnh đầu nhìn lại

  •  
    ​Diện tích Israel chỉ nhỉnh hơn tỉnh Nghệ An một chút với gần 80% là sa mạc khô cằn. Gần 4.000 năm trước, những người Do Thái đầu tiên, “theo lời Chúa Trời” đã đến định cư ở đây, nơi có điều kiện sống, canh tác vô cùng khắc nghiệt. Trên mảnh đất nhỏ nằm trong hai cái nôi văn minh Ai Cập, Lưỡng Hã cổ đại này, lịch sử người Do Thái đã phải trải qua bao biến thiên thăng trầm, bị bắt làm nô lệ, bị chiếm đóng, bị chia cắt, bị đàn áp, bị trục xuất khỏi tổ quốc, trở thành một cộng đồng  tha hương lớn nhất và lâu nhất trong lịch sử; bị coi khinh, nhẫn nhục sống để mưu sinh và thậm chí còn bị săn lùng, bị truy đuổi mà một trong những  thảm kịch đáng xấu hổ  của lịch sử là việc Hitle thời Đức quốc xã đã tàn sát dã man hàng loạt chỉ vì họ là người Do Thái.
  • Những hóa giải kỳ diệu

  •  

    ​Nói không ngoa, ở  đất này, nước ngọt còn quý hơn vàng. Với hơn 80% diện tích là sa mạc, đầy sỏi đá và cát bụi, nếu bạn đi dọc chiều dài Israel, bạn ít khi nhìn thấy những cánh rừng xanh tươi hoặc đồng bằng trù phú. Ngược lại,  mỏi mắt nhìn, bạn vẫn chỉ thấy cảnh sa mạc và sa mạc, khô khốc, nắng cháy. Tuy nhiên, chính trên mảnh đất  khắc nghiệt này, với lượng mưa hàng năm có nơi chỉ đạt 50 milimét, người Israel đã làm được những điều kì diệu mà ít có nơi nào trên thế giới làm được: phát triển một nền nông nghiệp gồm trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả, tạo nên “hiện tượng Israel”. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và nuôi trồng, giữa các nhà khoa học, các viện, trường đại học  và nông dân cùng với vai trò điều phối hợp lý của Chính phủ.

     

    Sử dụng nước tưới ở đây không đơn thuần dựa vào kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật. Khi tưới, người ta hạn chế tối đa  để nước ít bị  bốc hơi hoặc ngấm tràn ra ngoài rễ cây. Họ sử dụng các thiết bị tưới nhỏ giọt, sử dụng van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, dùng vòi phun nhỏ và phun mưa. Đường dẫn nước có các ống nhỏ như mao mạch dẫn nước hoặc nước đã trộn với phân bón tới từng gốc cây. Hệ thống được điều khiển bằng máy tính, tự động đóng mở van khi độ ẩm ở rễ cây vừa đủ. Khi cần tưới trên lá, họ dùng hệ thống phun sương. Để hạn chế nước bốc hơi có công nghệ nhà kính giúp  người dân có thể hái được hơn 3 triệu bông hồng/ha trong một vu, hoặc thu hoạch trung bình khoảng 300 tấn cà chua/ha… Trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt như vậy  mà làm được một ngành trồng trọt  như thế,  người ta cho rằng chỉ có người Israel mới có thể làm được.

     
     
    Với nghề chăn nuôi, người Israel cũng đã đạt được những thành công đáng khâm phục như nuôi bò sữa (mỗi năm một con bò cho khoảng it  nhất 11.000 lít sữa), chăn nuôi gia cầm rất phát triển, thậm chí họ còn nuôi tôm cá (kể cả cá biển) trên sa mạc. Bài học thành công của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp rất đáng để VN, nơi  dự kiến phát triển mạnh nông nghiệp trong thời gian tới cần nghiên cứu áp dụng.

    Israel thiếu nước ngọt nhưng lại không thiếu nước… mặn, nước mặn của Địa Trung hải và đặc biệt là nước mặn của Biển Chết. Biển Chết nằm ở độ sâu thấp nhất thế giới: 400 mét dưới mực nước biển và đang… chết dần, hiểu theo nghĩa là biển đang cạn dần do lượng nước sông bổ sung bị hạn chế và do biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng lên. Biển Chết quả là vùng nước lý tưởng cho những người… không biết bơi nhưng lại muốn nổi trên nước để… đọc báo. Phơi nắng trên mặt nước, trát lên cơ thể lớp bùn với nhiều khoáng chất bổ dưỡng cho da. Đấy là điều mà nhiều du khách thường làm. Israel đã rất thành công không chỉ khai thác Biển Chết như là một điểm du lịch mà còn phát triển cả ngành mỹ phẩm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh… Nằm nổi trên Biển Chết, nhìn lên trời xanh bao la, tôi tự hỏi có lĩnh vực nào mà người Do Thái còn chưa xông vào khai phá, khi cũng chính trên bầu trời mà tôi đang ngắm nhìn đó, người Israel đang nghiên cứu quy luật bay của khoảng 25 triệu con chim di cư  hàng năm chỉ nhằm mục đích lập tuyến bay an toàn cho các chuyến bay? Và họ còn đang lên cả một kế hoạch để cứu sống … Biển Chết bằng cách bơm nước biển  Địa Trung Hải hoặc Hồng Hải dài tới 300 km.

  • Cảm hứng từ...  sứ giả

  •  

    ​Những ngày ở Israel, chúng tôi đã chứng kiến cảnh người vào siêu thị, triển lãm, hội chợ, tại các điểm kiểm soát “check point” ( nơi giáp ranh giữa vùng đất Israel và Palestine), những thủ tục kiểm tra phát hiện chất nổ, phát hiện nguy cơ khủng bố được áp dụng chặt chẽ nhưng nhanh chóng. Họ quen với không khí chuẩn bị cho chiến tranh và điều hành các công việc theo hướng này một cách điềm tĩnh, hiệu quả. Nam nữ đến tuổi đều phải vào lính nghĩa vụ, không trừ một ai với thời gian khoảng hai đến ba năm. Chính sách này làm tôi nhớ đến chủ trương “ngụ binh ư nông” của các vua Trần Đại Việt nhằm đối phó với quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII.
     

     

     

     

     Chi phí rất nhiều cho quốc phòng nhưng Israel vẫn có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Họ sống giữa một thế giới các quốc gia Ả Rập, với số dân hơn vài trăm triệu người, trong đó một số thế lực có thái độ thù địch muốn xóa Nhà nước Israel trên bản đồ  thế giới. Trong điều kiện nửa chiến tranh, nửa hòa bình như vậy, Israel vẫn điều hành quốc gia theo những nguyên tắc của một nền dân chủ,  pháp quyền, đa đảng...  Chỉ có một điều tôi cứ băn khoăn tại sao họ, một dân tộc có quá khứ đau thương, mất đất, tha hương… và nay đang là những người rất thành công  trong công cuộc xây dựng đất nước như vậy lại không thể  tìm được tiếng nói chung với người Palestine và thế giới Ả Rập? Mà họ có phải là một dân tộc bình thường đâu nếu bạn biết rằng, tính đến năm 2011, giải Nobel đã được trao 108 lần cho 800 nhân vật  thì  người Do Thái đã có đến 181 người, chiếm 22% số người được coi là trí tuệ hàng đầu của thế giới, trong khi người Do Thái chỉ chiếm hơn 0,2% dân số thế giới. Tại sao họ không thể tìm được tiếng nói hòa bình chung ?
     
     
     
    Hướng dẫn viên cho đoàn chúng tôi là một người đàn ông Do Thái. Suốt cả thời gian cùng đi, bất kỳ lúc nào, ở đâu, hễ có điều kiện là ông lại miệt mài giới thiệu với chúng tôi về lịch sử, kinh tế, khoa học, văn hóa, tôn giáo của dân tộc, đất nước ông … với một cảm hứng mạnh mẽ và một niềm tự hào kín đáo. Chúng tôi gọi vui ông là  một cuốn “tiểu từ điển bách khoa” về Do Thái. Câu ông thường xuyên hỏi chúng tôi là: “Các anh có muốn hỏi thêm gì nữa không? Tại sao các anh lại không hỏi?”. Câu hỏi của ông đã cho tôi một phần của lời giải đáp: sự ham muốn hiểu biết và lòng tự hào dân tộc đã làm nên thành công  của người Do Thái và của đất nước Israel.
InBản in
  
E-mail to a friend