Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng Start-up nói riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng kinh tế tri thức và hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và giải thể nhanh nhất. Ngoài ra, Bộ đã cho phép doanh nghiệp tại 38 địa phương đăng ký kinh doanh online.
Tuy nhiên, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về nhà đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân vẫn chưa có. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu thông tin, chưa có sự gắn kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và thiếu kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư cho khởi nghiệp. Theo ông Đông, để tạo thuận lợi, Nhà nước cần công nhận và có sự quản lý thích hợp, đồng thời có ưu đãi với dòng tiền của nhà đầu tư mạo hiểm như coi nó là chi phí trước thuế.
Nếu như tại Israel, việc tiếp cận các nguồn tiền luôn là vấn đề với các Start-up thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nói về điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết liên quan tới gọi vốn ngân hàng trong khởi nghiệp thì nguồn vốn của ngân hàng quan trọng khi tăng tốc khởi nghiệp. Nhưng tùy tính chất, quy mô từng sản phẩm, các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn và thời hạn vay. Còn về lâu dài hạn thì Start-up phải sử dụng đồng bộ các nguồn vốn khác từ chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, luật pháp cho phép sử dụng bằng sở hữu trí tuệ hay quyền sở hữu sáng chế làm tài sản thế chấp. Luật dân sự năm 2015 nêu rõ, các loại tài sản này nằm trong quyền sở hữu. Tuy nhiên, cần có quy định với loại tài sản vô hình này để việc vay vốn được diễn ra thuận lợi hơn.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp. Và để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất chính sách của giới Start-up và nhà đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISSA) chính thức ra mắt website và tuyển các khởi nghiệp công nghệ (startup) trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Báo Công Lý