“Ở Israel chúng tôi phải
sống chung với một thực tế là nguồn nước tự nhiên khan hiếm và khủng hoảng nước
sạch là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên chúng tôi chọn cách đối mặt và tìm ra
ra giải pháp để khắc phục vấn đề này. Chúng tôi hi vọng khi chia sẻ những kinh
nghiệm và những thành tựu mà chúng tôi đạt được trong vấn đề này có thể giúp
các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”, trích lời Đại sứ Meirav
Eilon Shahar.
Do đó,
nước sạch được xem là vàng trắng ở quốc gia Trung Đông này..
Để đối phó với tình trạng khan
hiếm nước sạch phục vụ phát triển kinh tế và xã hội, Israel đã thực hiện nhiều
giải pháp sử dụng tiết kiệm và cải thiện nguồn cung cấp nước ngọt dựa vào sự
phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Kết quả: đầu năm 2013, cơ
quan quản lý nước (Water Authority) của Israel tự tin khẳng định Israel đã đánh
bại được hạn hán.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi riêng với Đại sứ đặc mệnh
toàn quyền của Israel tại Hà Nội – bà Meirav Eilon Shahar nhằm tìm hiểu thêm về
các giải pháp chống hạn của quốc gia này trong bối cảnh tình hình hạn hán và
xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng một số tỉnh thành ở ĐBSCL của Việt
Nam.
* Mặc dù có nguồn nước
tự nhiên hạn chế, nhưng từ nhiều năm nay, Israel vẫn luôn là cường quốc nông
nghiệp hàng đầu thế giới… Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước tiết kiệm
và sống chung với hạn hán của người dân Israel và
cách Israel đương đầu với hạn hán như thế nào?
- Kể từ khi thành lập vào năm
1948, Israel đã hứng chịu vấn nạn thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng. Nhưng bây
giờ chúng tôi có thể tự tin khẳng định khủng hoảng nước đã kết thúc.
Hiện nay tất cả người dân ở
Israel đều có thể tiếp cận nước sạch theo nhu cầu miễn là họ sẵn sàng trả tiền.
Chúng tôi cũng có một bộ luật rất chặt chẽ về việc sử dụng nước, phạt rất nặng
các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và sử dụng nước lãng phí.
Chúng tôi cũng có một số lượng
lớn các chuyên gia và quản lý chuyên môn cao về nước. An ninh nước ở Israel
đang phát triển tốt nhờ vào các công nghệ kỹ thuật do chính các giáo sư, nhà
khoa học và doanh nhân trong nước phát minh ra.
Trong những năm gần đây, lĩnh
vực nước ở Israel đã trải qua những thay đổi quan trọng. Trong thập kỷ vừa qua,
các nhà lập pháp ở Israel hiểu rằng cách duy nhất đối phó với vấn nạn thiếu hụt
nguồn nước tự nhiên cũng như để cải thiện chất lượng sống của người dân được
tốt hơn chính là chấp nhận thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, và từ đó thực
hiện các chính sách quốc gia liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước
một cách hiệu quả.
Chúng tôi đầu tư vào các công
nghệ sử dụng nước hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Song song đó, chúng tôi tiến
hành các chiến dịch giáo dục và truyền thông để kêu gọi người dân sử dụng nước
tiết kiệm. Ngoài ra, chính phủ đầu tư hơn 500 triệu USD để xây dựng các nhà máy
xử lý nước đặt ở khắp nước.
Ngoài những biện pháp đơn giản,
ít tốn kém và thân thiện với môi trường, Israel còn sử dụng chương trình khử
muối nước biển quy mô lớn. Cho đến hiện nay, lượng nước ngọt được sản xuất từ
các nhà máy khử muối nước biển đáp ứng 50% nhu cầu nước của Israel.
Hiện tại, chúng tôi có một kế
hoạch tổng thể phát triển hoạt động của ngành nước ở Israel đến năm 2050.
Chương trình này chú trọng vào
việc tối đa hóa hiệu quả, bảo quản, và tái sử dụng nước thải cho nông nghiệp,
cùng với đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ khử muối để đáp ứng nhu
cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của
chúng tôi, biện pháp tốt nhất vẫn là nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và
hiệu quả cho người dân.
* Vai trò của chính
phủ Israel như thế nào trong việc phòng chống biến đổi khí hậu,
cụ thể là tình trạng hạn hán?
- Số lượng nước tự nhiên trên
đầu người ở Israel là thấp nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu
trở thành một nhà nước hiện đại, chúng tôi buộc phải tìm giải pháp để đảm bảo
đủ nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp, phát triển công nghệ và
duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cuộc cách mạng tìm nguồn nước
sạch của Israel có thể tóm gọn trong ba giai đoạn chính. Đầu tiên, cựu Thủ
tướng Israel David Ben - Gurion không muốn đất nước phát triển thụt lùi chỉ vì
thiếu nước. Thế là, ông ký quyết định xây dựng hệ thống dẫn nước quốc gia vào
những năm 1950, đây là công trình đầu tư quan trọng nhất của Israel trong những
năm đầu lập quốc.
Kế đến chúng tôi tập trung vào
việc phát minh ra các công nghệ tái chế nước thải theo cách tiết kiệm năng
lượng và thân thiện với môi trường. Hiện nay, hơn 90% nước thải được tái chế
được sử dụng cho ngành nông nghiệp. Tiếp theo là giai đoạn tập trung phát triển
hệ thống khử mưới nước biển để sản xuất nước ngọt.
Israel hiện nay sử dụng 2 tỉ m3 nước mỗi năm, ít hơn so với một thập kỷ
trước đây, trong đó lượng nước sử dụng cho ngành nông nghiệp và công nghiệp
chiếm khoảng 1,1 tỉ m3 và 900
triệu dành cho sinh hoạt của người dân. Trong số 2 tỉ m3 này, 50% lượng nước
được sản xuất nhân tạo, gồm 600 triệu m3 sản xuất từ các nhà máy khử muối và
400 triệu m3 nước thải được tinh chế.
Tuy nhiên, ngay cả những đổi
mới này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của dân số ngày càng
tăng ở Israel. Thử thách càng lớn hơn khi lượng mưa xuống thấp [Lượng mưa trung
bình hàng năm ở Israel chỉ khoảng 1,2 tỉ m3. Vào
những năm khô hạn, lượng mưa này có thể xuống dưới mức 900 triệu m3].
Chúng tôi nhận thức rõ rằng tất
cả giải pháp hiện tại vẫn chưa đủ tốt. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để không
làm tổn thương các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
* Theo Đại sứ, đâu là
những công nghệ của Israel sẽ giúp VN đối phó với tình trạng hạn
hán kéo dài và nghiêm trọng ở ĐBSCL như hiện nay? Ngoài ra,
phía Israel cho đến nay đã chuyển giao hoặc cung cấp giải
pháp công nghệ gì để hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp?
- Trong nhiều thập kỷ qua,
Israel đã phát triển nhiều công nghệ khác nhau để vượt qua các tác hại của hạn
hán nghiêm trọng.
Các công nghệ này gồm hạt giống
“chống hạn hán” (tiêu thụ ít nước hơn bình thường), hệ thống tưới nước nhỏ giọt
với các đường ống dẫn nước tới từng cây trồng trong với hệ thống máy tính đo độ
ẩm, mức độ hấp thụ của cây để tự động điều chỉnh lượng nước tưới nhỏ giọt cho
phù hợp, công nghệ tưới nhỏ giọt (không dùng tưới phun vì lãng phí nước).
Hiện có một số công ty Israel
đang hoạt động năng động ở Việt Nam và có thể cung cấp các công nghệ nhỏ giọt
và phân bón cho các đối tác Việt Nam.
Ngoài ra, Israel có thể cung
cấp các thiết bị tiết kiệm nước có chất lượng cao như: ống dẫn nước, van tiết
kiệm nước, khóa nước… Hơn 150 quốc gia trên thế giới hoan nghênh chính phủ
Israel vì đã hộ trợ các công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và đối
phó với hạn hán.
Ngoài ra, chúng tôi ủng hộ các
khu vực tư nhân và phi lợi nhuận xử lý các vấn đề nước. Thêm vào đó, Israel
cung cấp các khóa huấn luyện, đào tạo về quản lý nước và tưới tiêu cho những
người bạn hàng xóm Palestine và Jordan cùng hơn 100 quốc gia đang phát triển,
trong đó có 29 quốc gia ở Châu Phi.